Bé 6 tháng tuổi

Nửa năm đã trôi qua kể từ giây phút đầu tiên bạn chào đón thiên thần của mình, thời gian trôi quá nhanh. Là một người mẹ chu đáo, bạn luôn muốn chăm sóc con tốt nhất mỗi ngày. Vì thế có những lúc bạn cảm thấy quá bận rộn đến nỗi không thể dừng lại một giây nào được. Như vậy cũng không tốt cho cả hai mẹ con đâu. Bạn nên sắp xếp thời gian để được  chơi đùa với con, nhìn ngắm con. Hãy “tận hưởng” cảm giác hạnh phúc khi bạn có một đứa con đáng yêu thế này. Chính những giây phút thư thái, trầm lắng này là lúc bạn trao cho bé sự chăm sóc quý giá nhất mà bé có thể nhận được.

Độ tuổi này là lý tưởng để bạn đặt bé vào xe đẩy và cùng bé đi dạo phố. Trên đường đi bạn hãy kể cho bé nghe về mọi thứ xung quanh. Hãy giúp bé mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, luôn luôn với một thái độ tích cực từ phía bạn. Bạn chính là người hướng dẫn đầu tiên và quan trọng nhất của bé, và nhờ có bạn mà bé biết rằng cuộc sống rất thú vị và an toàn.

Chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ của bé

Ở tháng thứ 6, đa số các em bé sẽ được mẹ cho ăn món ăn dặm đầu tiên. Nhưng cũng có những bé đã được cho ăn từ sớm hơn, và đã chịu nhai nhóp nhép thức ăn một cách ngon lành rồi. Bạn hãy lưu ý rằng bé sẽ mất dần lượng sắt vốn có sẵn trong cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ, và cần phải bổ sung thêm. Sữa mẹ lại không chứa nhiều chất sắt. Nên một trong những món ăn dặm đầu tiên của bé là món bột ngũ cốc, có thể cung cấp lượng sắt dồi dào. Nhưng một số bé sẽ không thích vị này, nên bạn hãy thử cho bé ăn món trái cây nghiền để thay thế, như là táo không đường hay lê xay nhuyễn. Vitamin C có trong trái cây sẽ giúp chuyển hóa chất sắt trong cơ thể, món trái cây nghiền này có vị hấp dẫn, lại mềm mịn nên các bé sẽ rất thích. Thời điểm này sữa vẫn là thức ăn chính trong chế độ dinh dưỡng của bé, nên trong bữa ăn, bạn hãy cho bé bú sữa trước, rồi mới bắt đầu ăn thức ăn dặm.

Em bé của bạn vẫn cần 3 giấc ngủ kéo dài khoảng 1-3 tiếng vào ban ngày, và 10 tiếng vào ban đêm. Việc dỗ bé ngủ đôi khi làm bạn mệt mỏi, đặc biệt là khi bé không thích ngủ nhiều. Ban đêm bạn ru bé ngủ bằng cách nào thì cũng hãy thực hiện y như vậy cho bé vào ban ngày. Nếu vợ chồng bạn cùng đồng lòng và kiên nhẫn, bạn sẽ tạo được cho bé thói quen ngủ với những tiếng động ồn ào xung quanh.

Hành vi ứng xử

Ở độ tuổi này, em bé của bạn có thể  học cách tắc lưỡi như người lớn. Một số thậm chí còn túm lấy mũi hay cằm của bố mẹ và ngậm mút ngon lành. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn phát triển bằng miệng, khi mà em bé của bạn sẽ khám phá rất nhiều điều mới mẻ bằng miệng của mình. Bạn đừng quá cứng nhắc trong vấn đề giữ vệ sinh cho bé, hay quyết liệt không cho ngậm bất cứ thứ gì vào miệng. Giờ đã là thời điểm bé của bạn tập ăn dặm, xung quanh bé có la liệt những thứ đồ có thể sạch sẽ, vô trùng, cũng có thể mất vệ sinh. Bạn phải làm quen với điều này thôi.

Nếu bạn vẫn chưa có thói quen đọc sách cho bé mỗi tối, hãy bắt đầu từ bây giờ. Hãy quan sát khuôn mặt bé khi bạn chỉ cho bé những hình ảnh sống động hay những cảnh quen thuộc. Mỗi khi giao tiếp với con, bạn đừng nhận xét hay phê phán điều gì, bởi vì em bé của bạn chắc chắn không làm như vậy đâu.

Khi bạn cười với bé, bé sẽ cười đáp lại. Bé sẽ tỏ ra thích thú một số trò chơi nhỏ và gần như đoán trước được trò đó sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào. Nhưng đừng kéo dài trò chơi quá lâu với bé, em bé của bạn chưa đủ sức chơi hay trò chuyện với bạn lâu, và bé sẽ tỏ thái độ cho bạn biết điều này. Bé có thể sẽ ko chăm chú nhìn bạn nữa mà nhìn đi chỗ khác, trở nên cáu kỉnh, và có thể khóc. Như thế nghĩa là bạn hãy ngưng trò chơi lại và chuyển bé sang hoạt động khác. Bạn cần phải để ý kỹ những phản ứng hay tâm trạng của bé. Chính cách ứng xử của bạn dành cho bé sẽ là bài học đầu đời để bé biết chia sẻ và thấu hiểu khi giao tiếp với mọi người.

Những cột mốc phát triển

Em bé của bạn đã có thể tự đứng bằng 2 chân được một lúc rồi, đương nhiên là với sự trợ giúp của người lớn giữ chặt 2 tay. Bé phải học cách giữ thăng bằng, điều này tốn rất nhiều thời gian và cả công sức luyện tập; bạn thử nhìn khuôn mặt bé lúc đang tập trung cao độ khi cố sức thực hiện điều này mà xem. Tháng thứ 6 cũng là thời điểm nhiều bé bắt đầu tự ngồi một mình, nhưng chỉ được một lúc thôi. Bé hay bị ngã về phía trước hoặc sang hai bên, bạn cần chú ý canh chừng bé cẩn thận. Cũng có thể em bé của bạn không hứng thú với việc ngồi lên, bạn cũng không nên ép bé phải tập. Có nhiều bé “trốn” ngồi đến tận sau khi đã biết bò, khoảng 8-9 tháng tuổi.

Trong tháng này em bé của bạn cũng sẽ bắt đầu mọc răng, vậy nên bạn hãy kiểm tra lợi của bé để xem có gì khác thường không. Chiếc răng đầu tiên xuất hiện thường là răng cửa hàm dưới. Khi bé đã có 1, 2 chiếc răng, bạn hãy chú ý chăm sóc vệ sinh răng cho bé bằng một chiếc khăn ướt mỗi ngày.

Em bé của bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng những đồ vật nằm trong tầm với của bé có thể điều khiển được. Khả năng cầm nắm vẫn chưa phát triển thuần thục nên bé sẽ “quơ cào” món đồ vào lòng bàn tay của mình. Ở thời điểm đầu đời này bé có thể sử dụng cả hai tay thuần thục như nhau, chỉ đến khi sắp sửa đi học thì bé mới biểu lộ rõ là sẽ thuận tay nào.

Tăng trưởng

Thời điểm này em bé của bạn sẽ tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể lúc mới sinh, trừ khi bé bị sinh non hay gặp vấn đề về tăng cân. Đầu của bé vẫn khá to so với trọng lượng còn lại của cơ thể, nhưng rõ ràng là đã cân xứng hơn lúc mới sinh rồi. Nếu bạn nhận thấy đầu bé bị bẹp ở phía sau, hãy tham khảo ý kiến của nhân viên chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh. Bạn hãy chú ý thay đổi tư thế cho bé nhiều lần khi bé nằm ngủ, đừng để bé nằm nguyên 1 kiểu trong một thời gian dài, và mỗi ngày đều có thời gian chơi đùa, vận động thì em bé của bạn có thể sẽ không gặp phải trường hợp này.

Giữ cho bé luôn khỏe mạnh

Tháng này em bé của bạn đã đến ngày tiêm mũi chủng ngừa thứ 3, nên bạn hãy hẹn lịch chích ngừa cho bé, hoặc tìm hiểu địa điểm có dịch vụ tiêm ngừa miễn phí cho trẻ em. Sau khi bé chích ngừa, bạn hãy để bé được nghỉ ngơi yên tĩnh. Những phản ứng phụ sau khi tiêm ngừa là khá hiếm hoi, nhưng em bé của bạn có thể sẽ hơi khó chịu, quấy khóc sau khi chích. Hãy tham khảo thêm thông tin và biểu đồ chủng ngừa trong trang web này để biết thêm chi tiết.

Nhiều em bé bị cảm lần đầu tiên khi được khoảng 6 tháng khiến bố mẹ lo lắng khá nhiều. Các ông bố, bà mẹ đều cảm thấy lo sợ khi con mình bị bệnh lần đầu tiên, và thường nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ. Nếu bạn có cảm giác bé không được khỏe mạnh, mặc dù bé vẫn tỏ ra bình thường, thì bạn vẫn nên đưa bé đi khám. Những dấu hiệu cho thấy bé không được khỏe là bé thay đổi lượng ăn uống, nhiệt độ cơ thể tăng, phát ban đỏ, nôn ói, hay bé tỏ ra khó chịu, quấy khóc.

Cùng chơi đùa với bé

Hai mẹ cọn bạn hãy tham gia các hoạt động xã hội, chẳng hạn như nhóm trẻ chơi chung cho bé, lớp thể dục thẩm mỹ cho mẹ, nếu bạn thấy hứng thú. Bạn cũng có thể đăng ký cho bé vào lớp matxa cho em bé, hay đơn giản chỉ cùng các ông bố, bà mẹ khác đẩy con đi dạo. Những hoạt động này chính là phương cách hữu hiệu giúp bạn tạo mối quan hệ với cộng đồng.

Bạn đừng quan niệm rằng bạn phải ở bên cạnh chơi với con suốt cả ngày. Thực ra em bé của bạn cũng cần có những khoảng thời gian yên tĩnh, và sẽ cảm thấy thư giãn khi được ở một mình. Nếu bé vui vẻ, sảng khoái và không bị đói bụng, không buồn ngủ, thì bạn hãy để bé một mình, chỉ nằm nhìn ngắm món đồ chơi nào đó, tự bé sẽ tạo ra niềm vui cho chính mình. Làm như vậy nghĩa là bạn đã giúp bé hình thành một kỹ năng sống quan trọng cho suốt cuộc đời sau này, ngay từ những năm tháng đầu đời của bé.

Hãy tham khảo thêm ý tưởng về các hoạt động này tại trang activity.

Với người mẹ

Nếu bạn vẫn không thích đọc một cuốn sách, dù là loại sách dễ đọc, thì hãy nghe đài, đặt mua tạp chí, đăng ký đọc tin tức trên Internet. Những hoạt động này sẽ giúp bạn duy trì mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Có lẽ cho đến thời điểm này bạn vẫn đang quá tập trung vào việc chăm sóc em bé, đến nỗi những vấn đề khác đều bị xem nhẹ hay bỏ qua. Điếu này không có gì là sai cả, nhưng bạn nên nhớ rằng chính đầu óc của bạn cũng cần phải được duy trì cập nhật thông tin để không bị tụt hậu quá mức.

Cảm xúc của bạn

Có thể vợ chồng bạn đang suy nghĩ xem khi nào thì nên sinh con tiếp. Mặc dù đây không phải là một kế hoạch chắc chắn, thì có lẽ bạn cũng đang suy nghĩ suốt 6 tháng qua rằng không biết có nên có thêm em bé hay không. Thực ra chẳng hề có một khoảng cách lý tưởng nào giữa thời gian sinh các con trong gia đình bạn, mà chỉ vì có quá nhiều vấn đề trong cuộc sống làm ảnh hưởng đến quyết định của bạn mà thôi.

Nhu cầu ngủ của bạn

Nếu em bé của bạn cuối cùng cũng đã chịu ngủ nhiều hơn vào ban đêm, thì bạn cũng hãy tự thưởng cho mình một giấc ngủ trọn vẹn. Nếu mới hơn 8 giờ tối mà bạn đã không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, nghĩa là cơ thể bạn đang bị thiếu ngủ rồi. Nhiều bà mẹ khi nuôi con ở độ tuổi này đã phải chịu đựng những cơn mệt mỏi rũ người, nhưng không thể nghỉ ngơi vì phải chăm sóc con cái. Trong trường hợp của bạn, nếu bạn đã được ngủ đủ giấc mỗi ngày mà vẫn cảm thấy đuối sức thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Một trong những nguyên nhân gây ra cơn mệt mỏi đáng sợ chính là mất cân bằng tuyến giáp hay nội tiết tố, tuy nhiên nó cũng không thường xuyên xảy ra.

Mối quan hệ của bạn

Nếu chồng bạn có vẻ hơi sao nhãng trách nhiệm + chăm sóc em bé, bạn hãy “kéo” anh ấy quay trở lại cùng chia sẻ công việc này. Bạn là một người mẹ, và sẽ rất dễ để bản thân mình ngập chìm trong việc chăm sóc con, mà quên mất rằng những người xung quanh cũng có thể cùng bạn chăm bé rất giỏi. Thế nên thỉnh thoảng bạn hãy nhường em bé cho chồng, và đừng tỏ ra mình là một người mẹ “biết tuốt” . Em bé của bạn thực ra cần được yêu thương cũng như cần giao tiếp với nhiều người, chứ không chỉ với riêng mình mẹ của bé. Thế nên có một câu nói rất chí lý: “phải cần cả một ngôi làng để chăm sóc một đứa trẻ”