Vì sao tiêm vắc xin là cần thiết cho phụ nữ chuẩn bị mang thai?

Khi mang thai hệ miễn dịch của cơ thể thai phụ sẽ hoạt động kém hơn bình thường, dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Do đó, tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và bé phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm.

Để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé, các chuyên gia đề nghị phụ nữ nên tiêm phòng các loại vắc xin sau đây trước khi chuẩn bị mang thai, bao gồm:

  • Rubella: 90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus Rubella gây ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của não, tim, tai và mắt em bé khi còn trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh ra sẽ bị hội chứng Rubella bẩm sinh.
  • Sởi: Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Quai bị: Mặc dù không gây vô sinh như ở nam giới xong virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, hoặc phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu nếu thai phụ nhiễm bệnh. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.
  • Hiện nay, phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và rubella chỉ với một mũi văcxin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella). Một số người có thể đã tiêm phòng khi còn nhỏ và có khả năng miễn dịch với “bộ ba” này. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn 100% cả. Cho dù đã được tiêm phòng từ trước, chị em vẫn nên xét nghiệm lại. Nên tiêm phòng vắc xin ít nhất ba tháng trước khi thụ thai. Cần đảm bảo không có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vắc xin. Nếu lỡ có thai trong thời gian này, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ.
  • Vắc xin thủy đậu: Nếu đã tiêm phòng khi còn nhỏ, cần tiêm 1 mũi nhắc lại và cách thời gian trước khi chuẩn bị mang thai 3 tháng
  • Vắc xin viêm gan B: Virus viêm gan B thường lây truyền thông qua máu như từ mẹ sang con, truyền máu không an toàn, quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B…. Sau khi bị nhiễm, ở giai đoạn cửa sổ hoặc ở thể người lành mang bệnh nên chị em có thể mắc bệnh mà không hay biết. Vì vậy không chỉ họ mà người chồng cũng nên tiêm phòng viêm gan B. Trước khi tiêm phòng nên xét nghiệm máu để quyết định xem có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B hay không. Vắc xin gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan B trước khi mang thai, vẫn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.
  • Vắc xin phòng cúm: Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam. Cảm cúm thông thường sẽ không gây ra những biến chứng gì đặc biệt. Song khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Văcxin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virus đã chết nên rất an toàn với bà bầu.

Nguồn: Tổng hợp