Sinh non

Các bà bầu cần học cách nhận biết những dấu hiệu sinh non. Ngay cả khi bạn không thuộc diện có rủi ro cao, bạn cũng cần lưu ý vì có những trường hợp sinh non, nguyên nhân vì sao vẫn là dấu chấm hỏi với các chuyên gia. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cho biết bạn có thể sinh non. Nếu gặp phải một trong các triệu chứng sau hay cảm thấy có gì đó không ổn trong người, bạn nên đi khám bác sĩ.

Dấu hiệu và triệu chứng sinh non

Co thắt tử cung

Những cơn co thắt tử cung làm bạn đau đớn hoặc lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu sinh non.

Vỡ ối

Chuyện vỡ ối có thể khác nhau với từng người, có người thì nước tuôn ào ào, có người chỉ rò rỉ, nhỏ giọt.

Chuột rút

Hiện tượng chuột rút như khi hành kinh có thể là dấu hiệu chuyển dạ.

Đau thắt lưng

Bạn cảm thấy đau ở phần lưng dưới.

Nặng nề

Bạn có cảm giác cái thai trong bụng đang di chuyển xuống phía dưới, làm gia tăng áp lực lên vùng khung chậu.

Tiết dịch âm đạo

Khi thấy âm đạo tiết ra dịch lỏng, máu hay chất nhầy, có thể bạn sẽ bị sinh non.

Cách điều trị để tránh sinh non

Khi thấy bạn có dấu hiệu sinh non, tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn hoặc kéo dài thời gian mang thai như: nằm một chỗ, truyền nước, cho dùng Terbutaline hoặc Magnesium Sulfate.  

Nếu cái thai chỉ mới được 24­–34 tuần tuổi mà bạn lại có dấu hiệu sắp sinh, bác sĩ có thể cho bạn dùng corticosteroid trong vòng 24 giờ trước khi sinh để kích thích phổi và não bé phát triển.

Áp dụng các biện pháp như nằm một chỗ, truyền nước, cho dùng thuốc có chứa steroids, thường cũng chỉ kéo dài thời gian mang thai thêm một ít. Tuy nhiên, bác sĩ có thể tranh thủ thời gian này để giúp phổi bé phát triển hoàn thiện hơn, và nếu cần, sẽ chuyển thai phụ đến bệnh viện có phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU).

Để biết thêm thông tin, xin đọc thêm ở phần Sinh đẻ.