Sự phát triển về mặt xã hội

Những hành vi không phù hợp thường gặp ở bé từ 1-3 tuổi

Quan sát bọn trẻ ngày một lớn lên, mỗi đứa phát triển theo một cách riêng quả là điều thú vị. Những năm đầu đời, chúng học được vô vàn điều mới lạ, từ học nói, học đi, cách điều khiển từng bộ phận trên cơ thể và dần trở nên độc lập. Một số thứ bé học được là nhờ chúng ta dạy (như thói quen trong gia đình), một số thứ phát triển tự nhiên (như tập ăn thức ăn đặc).

Một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian này là giúp bé phát triển những giao tiếp xã hội. Việc phát triển những giao tiếp và quan hệ xã hội đối với một đứa bé từ 1-3 tuổi có thể rất phức tạp. Và chúng ta phải nhớ là ở lứa tuổi này, dù có khả năng tiếp thu nhanh, bé vẫn chưa thông thạo mọi thứ (và chúng ta cũng không nên kỳ vọng là bé làm được vậy). Bé sẽ học các kỹ năng xã hội thông qua trải nghiệm thực tế và nhờ người thân dạy dỗ. Chúng ta cần kiên nhẫn và thấu hiểu việc gì bé có thể làm được và việc gì không.

Dưới đây là một số hành vi thường gặp ở bé từ 1-3 tuổi trong các tình huống giao tiếp xã hội. Chúng phù hợp với sự phát triển và là giai đoạn học tập quan trọng của bé.

Giành đồ chơi 

Là bố mẹ, khi thấy con mình giật đồ chơi của đứa bé khác, chúng ta thường lấy làm ngại. Nhiều người lo là bé sẽ trở thành một đứa bé hư và nghĩ rằng mình cần can thiệp, thay đổi hành vi của bé. Lúc này, bé chưa hiểu thế nào là ích kỷ, đơn giản là bé thấy thứ mình muốn và lấy nó. Bé không nghĩ đến cảm nhận của đứa bé kia. Có một điểm thú vị là đứa bé kia thường không phản kháng. Thấy vậy, chúng ta lại sợ bé "vừa ăn cướp vừa la làng", ra vẻ như thể mình là nạn nhân. Thật ra, đứa bé kia không phản kháng vì nó thích nhìn bạn chơi đồ chơi của mình. Tuy nhiên, bé sẽ không "dễ chịu" như vậy nữa khi bước sang tuổi lên 2.

 

Hướng xử trí:

Bố mẹ không nên căng thẳng. Đó là chuyện bình thường trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, bạn cần để ý tới bé. Cùng một việc nhưng có khi là "hư hỏng", có khi là "phát triển", bé ở lứa tuổi đó là như vậy, sự khác nhau nằm ở chủ tâm của bé.

Cắn nhau, đánh nhau

Ở tuổi từ 1-3, bé chưa nói rành và chưa biết cách thể hiện cảm xúc phù hợp. Khi bé buồn, giận dữ hoặc chán nản, bé thường thể hiện bằng hành động. Để vượt qua trạng thái khó chịu này, bé thường trút vào bất kỳ ai đối diện, dù người đó chẳng có lỗi gì.

Hướng xử trí:

Dạy bé cách thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Nếu bé có thể nói cho bạn biết bé cảm thấy thế nào, bé sẽ ít động tay động chân khi gặp căng thẳng hơn. Ví dụ: bé có vẻ muốn gây gổ vì những hình khối bé vừa xếp bị ngã, bạn có thể giúp bé bộc lộ sự bực bội bằng câu nói: "Thật là chán mà, con đã mất công để xây cao thế này, vậy mà giờ nó đổ hết. Con không giận sao được".

Chơi cạnh nhau

Bé từ 1-3 tuổi chưa biết xây dựng tình bạn theo cách người lớn vẫn làm, nhưng chúng vui khi có bạn bè bên cạnh. Ở trường mẫu giáo hay ở các nhóm chơi, bạn vẫn thường thấy cảnh những đứa bé chơi cạnh nhau nhưng không chơi với nhau. Thường chúng sẽ quan sát xem các bạn khác làm gì và có thể bắt chước một vài hành động của bạn.

 

Hướng xử trí:

Tạo cơ hội cho bé được thường xuyên gặp gỡ nhiều người (cả trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi). Trẻ con thích bắt chước. Chúng thường quan sát người khác làm gì, phản ứng ra sao trong các tình huống và làm theo. Cha mẹ nên biết mình là tấm gương cho con noi theo. Nếu bạn thét lên khi có việc gì đó diễn ra không đúng ý mình, hay cự nự khi ai đó kêu mình mang quần áo ra ngoài phơi, hãy nhớ rằng bé đang lấy bạn làm gương mà ứng xử cho đúng. 

Ngôn ngữ giao tiếp

Bố mẹ có thể dạy bé cách nói chuyện với người khác. Hãy tập cho bé quen dùng những từ như "làm ơn", "cảm ơn"... Những từ này có thể chẳng có ý nghĩa gì với các bạn cùng trang lứa, nhưng nó thật sự cần thiết khi bé nói chuyện với người lớn hay những anh, chị lớn hơn mình. Ngoài ra, nó còn giúp ích cho bé khi bé lớn hơn và rủ người khác chơi cùng.

Hướng xử trí:

Hãy chơi cùng bé. Có thể ngay lập tức bé chưa hiểu khái niệm chờ đợi hay nhường nhịn, nhưng chắc chắn là bạn có thể dạy (hoặc làm mẫu cho bé để bé bắt chước theo). Hãy dạy bé nói "cảm ơn" mỗi khi bạn nhường cho bé một món đồ chơi, hay bảo bé nói "làm ơn" khi bé muốn thứ gì đó. Xin nhắc lại lần nữa, có thể thói quen này không hình thành trong một ngày, một buổi, nhưng nếu thường xuyên nghe bạn nói những từ này, bé cũng sẽ học theo. Trẻ con học rất nhanh. Một khi những quy tắc ứng xử tốt đẹp này đã trở thành thói quen, nó sẽ giúp ích cho bé rất nhiều.