Bé 7 tuần tuổi

Khi bé 7 tuần tuổi, nét mặt bé bắt đầu thay đổi và trở nên khá khác lạ, phổng phao so với lúc mới sinh. Các đường nét trên khuôn mặt trở nên rõ ràng hơn và bạn sẽ phát hiện ra bé có những nét nào giống với ba hoặc mẹ. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng những đường nét này là do di truyền tự nhiên chứ cha mẹ không thể quyết định được con cái sẽ giống mình ở điểm nào.

Bạn nên chụp hình và quay phim khi bé còn nhỏ để lưu lại những khoảnh khắc đáng quý này. Nhiều phụ huynh chụp và lưu ảnh của bé theo tuần hay tháng để so sánh phát triển của bé từng giai đoạn. Các phụ huynh khác ghi lại các sự kiện của bé trong nhật kí sức khoẻ cá nhân.

Việc ăn uống của bé

Kỹ năng ăn của bé cũng phát triển hơn lúc bé 7 tuần tuổi. Bé bú và nuốt thuần thục, hiệu quả hơn. Bé cũng học được cách bú bao nhiêu là phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu bé bú sữa mẹ, bạn có thể nhận thấy rằng hình như bạn hơi ít sữa hơn một chút so với thời gian trước, nguyên nhân là do lượng nội tiết tố kích thích sản xuất sữa đã đi vào ổn định. Bạn cần biết rằng lượng sữa lúc này được quyết định bởi số lần bé bú cũng như bé bú có hiệu quả không.

Nếu bé đang phát triển nhanh, nhu cầu bú mẹ của bé sẽ thường xuyên hơn. Đừng lo nếu bạn thấy lượng sữa của bạn trở nên ít hơn trong một vài ngày nào đó. Nếu bạn cho bé bú nhiều lần hơn và đảm bảo bé bú đúng cách, lượng sữa của bạn sẽ tự động tăng lên trở lại.

Nếu bé bú bình, bạn nên tăng thể tích mỗi lần bú cho bé nhé. Đừng quên rằng sữa công thức sẽ là nguồn thức ăn chủ yếu trong suốt 12 tháng đầu đời bé

Giấc ngủ của bé

Bạn vẫn chưa thể có lại giấc ngủ 8-10 tiếng mỗi đêm như trước khi có bé. Tuy nhiên, nếu bạn may mắn, con của bạn sẽ chu kì ngủ dài và liên tục suốt đêm. Chu kì này thường khoảng 6 tiếng nếu bé bú no trước khi đi ngủ.

Bạn có thể làm theo hướng dẫn về giấc ngủ an toàn do SIDS Foundation khuyến khích. Nhớ cho bé nằm ngửa khi ngủ, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, đảm bảo môi trường ngủ của bé tuyệt đối an toàn, yên tĩnh trong 6-12 tháng đầu và cần phải chắc chắn rằng không có gì che úp lên mặt của bé.

Hoạt động và sự phát triển

Khi bé 7 tuần tuổi, bạn sẽ thấy bé cười rất nhiều và ê a nói chuyện. Bạn nên nói chuyện nhiều với bé khi bé thức. Ngay cả khi bé chưa trả lời lại được, bé sẽ vẫn biết lắng nghe và khả năng ngôn ngữ của bé sẽ được kích thích bởi sự trò chuyện từ bạn. Bạn cũng nên dành thời gian để đọc sách cho bé nghe mỗi ngày. Bé không phân biệt được bạn đang đọc gì nhưng giọng của bạn và cách bạn đọc sẽ là nền tảng giúp bé phát triển giọng nói và ngôn ngữ sau này. Cũng đừng quên hát cho bé khi ở bên bé. Đừng nghĩ mình vụng về hay không thoải mái khi làm những việc này. Vì bé sẽ được hưởng lợi rất lớn từ những kết nối yêu thương này của bạn.

Nhớ cho bé nằm sấp vài lần trong ngày. Bé sẽ càng ngày càng thích ứng với việc này và bạn sẽ thấy bé dần có thể ngóc đầu lên được, có khi đến 45 độ. Coi chừng bé có thể đập đầu xuống, do bé khó giữ đầu ngóc cao lâu hơn 1-2 phút. Nên lót một chiếc mền dưới bé để bảo vệ mặt và mũi của bé nhỡ có đập xuống.

Bé khóc

Tiếng khóc của bé ở thời điểm này cũng khác đi. Giọng khóc the thé như mèo kêu đã thay bằng giọng khóc to và mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ để ý thấy bé khóc với cường độ to nhỏ khác nhau phụ thuộc vào lý do làm bé khóc. Khóc vì mệt khác với khóc do đói hay do không thoải mái.

Nếu bé khóc do mệt, bé sẽ dễ nín hơn. Nhưng đa số những trường hợp còn lại là do bé thật sự cần câu trả lời lập tức từ bạn. Cứ làm theo cảm giác riêng của bạn khi bạn nghĩ bé đang cần bạn chú ý. Nghiên cứu cho thấy các bé được để ý có xu hướng khóc ít hơn các bé bị bỏ lơ cho khóc.

Thói quen hằng ngày

Cho bú, vệ sinh, giải quyết các nhu cầu của bé chiếm gần hết thời gian trong ngày của bạn. Bé lúc này vẫn còn quá nhỏ để có thể lên chương trình sinh hoạt hằng ngày. Nhưng sinh hoạt của bạn thì có vẻ có kế hoạch hơn rồi.

Đây là thời điểm bạn nên bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, không quá tập trung vào con nữa. Bạn đáng được nghỉ ngơi một chút cho thư giãn đầu óc và tiếp xúc trở lại với cuộc sống bên ngoài thay vì cứ quanh quẩn bên con.

Bạn có thể mong đợi gì?

Bé sẽ phát ra những âm thanh hay cử động dễ thương, nhất là khi bạn nói chuyện và nhìn bé. Mỗi khi làm thế, bạn sẽ giúp định hướng cho não bé phát triển. Ở giai đoạn này, não bé có thể được ví như một miếng bọt biển, vì nó có khả năng hấp thụ và học hỏi cực lớn. Những cử chỉ yêu thương của bạn sẽ giúp định hình cho sự học hỏi và phát triển của bé.

Hãy quan sát những phản ứng của bé khi bạn giao tiếp với bé. Một trong những yếu tố quan trọng để nuôi nấng những đứa trẻ khỏe mạnh tình cảm là ba mẹ phải hoà hợp với con. Giao tiếp với con là quá trình 2 chiều thường không dễ dàng. Bạn nên biết rằng nếu bé không nhìn chăm chăm vào bạn nữa mà nhìn ra xa hay trở nên lơ đãng là dấu hiệu bé muốn một thứ gì khác.

Đừng nghĩ rằng bạn sẽ làm hư con nếu bạn xuất hiện quá nhanh khi bé khóc. Bé đang ở giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của mình. Trong suốt thời gian này, bé sẽ học được nên tin tưởng ai và ai là người giải quyết nhu cầu của bé tốt nhất.