Quá trình chuyển dạ

Theo các sách y học, quá trình sinh con gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khi cổ tử cung (là vùng cơ giữa tử cung và âm đạo) giãn rộng ra. Giai đoạn thứ hai (đẻ) bắt đầu khi đứa trẻ được đẩy ra khỏi tử cung, đi qua cổ tử cung, qua âm đạo và ra ngoài. Trong giai đoạn cuối, nhau thai được đưa ra ngoài.

Mỗi thai phụ có những trải nghiệm khác nhau đối với từng giai đoạn trong khi sinh con. Khoảng thời gian trước khi sinh và giai đoạn thứ nhất thường kéo dài rất lâu trước khi giai đoạn thứ hai ập tới nhanh dữ dội. Giai đoạn cuối thường rất mờ nhạt, vì lúc đó sản phụ đang quá háo hức ngắm nhìn đứa con mới lọt lòng hơn là chú ý tới cơ thể của chính họ. 

Trước khi chuyển dạ

Ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, ngay trước khi đứa trẻ ra đời, nội tiết tố sẽ tiết ra giúp cơ thể bạn thích nghi và sẵn sàng chuẩn bị sinh nở.

Mỗi sản phụ có trải nghiệm và cảm giác khác nhau ở giai đoạn tiền sản và khi lâm bồn. Có một vài dấu hiệu chung sẽ xảy ra trong vài ngày hay vài tuần hay thậm chí là vài giờ khi kì sinh sắp đến. Nhiều bà bầu có thể không để ý các dấu hiệu sắp sinh này.

Khi chuyển dạ

Trước khi sinh, thai nhi sẽ chùng xuống phần xương chậu. Điều này sẽ giúp giảm đau ngực và áp lực ở phổi, giúp bạn dễ thở hơn.

Tuy nhiên, thai nhi sẽ ép vào bàng quang làm cho thai phụ cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn bao giờ hết. Áp lực tăng lên trên các mạch máu dẫn đến chân mẹ sẽ bị tê, mỏi, phù đầu gối và mắt cá chân. Hãy giữ chân của bạn càng cao càng tốt và nghiêng người về phía bên trái để giúp giảm phù bàn chân.

Các bác sĩ thường đánh giá vị trí của đầu em bé đã vào đúng vị trí hay không căn cứ vào vị trí đỉnh đầu của bé dựa vào hai xương ở giữa xương chậu của bạn. Vị trí đó là điểm chính xác để sinh. Nếu đầu bé nằm trên vị trí này khoảng 2cm, bác sĩ có thể nói là “trừ hai phân”, nếu đầu bé nằm dưới vị trí này 1cm, có thể gọi là “hơn một phân”. 

Bản năng làm tổ

Gần cuối thai kỳ, bạn thường thấy cơ thể cồng kềnh, uể oải và không muốn nhấc mình lên tí nào. Nhưng mỗi buổi sáng thức dậy bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh lại bình thường và bắt đầu đi lại dọn dẹp, nấu ăn, rửa chén bát, như thể đang chuẩn bị dọn dẹp tổ đón đứa con sắp chào đời. Tuy nhiên, bạn cần nhẹ nhàng với bản thân, đừng để kiệt sức vì lau nhà trước khi đón em bé ra đời. Hãy tạm dừng những công việc hàng ngày và nghỉ ngơi.

Sút cân

Một vài thai phụ bị giảm tới 500g khối lượng một ngày trước khi lâm bồn. Đó là do nội tiết tố làm giảm lượng chất lỏng giữ trong cơ thể bạn.

 

Đau lưng dưới

Một số phụ nữ bảo rằng họ cảm thấy những cơn đau âm ỉ ở phần sau lưng khiến họ cảm khó ở và bồn chồn.

Triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Nhiều chị em có triệu chứng hệt như trước kì kinh nguyệt trước khi bước vào kì sinh, cảm thấy khó ở, đau đầu, mệt mỏi. Một số người có thể bị tiêu chảy trong giai đoạn này.

Dịch nhầy âm đạo

Trong suốt thai kỳ, cổ tử cung được chặn lại bởi một lớp dịch nhầy âm đạo. Khi cổ tử cung bắtđầu mềm và dãn rộng ra, lớp dịch này có thể chảy ra ngoài. Dịch nhầy có thể xuất hiện khoảng 1 tuần trước khi sản phụ sinh, hoặc chỉ chảy ra ngay trong lúc sinh nở. Dịch nhầy thường có màu đỏ tươi, hoặc màu máu nâu.

Những cơn gò Braxton Hicks

Vài tuần trước khi sinh nở, tử cung sẽ bắt đầu luyện tập cho hành trình sắp tới bằng việc bắt đầu những cơn gò nhỏ ở tử cung, diễn ra trong khoảng 30 giây và lặp lại một cách ngẫu nhiên khiến bạn đôi khi không nhận ra. Chúng gây ra những cơn đau ngắn và bạn có thể cảm thấy như bị thắt chặt ở vùng bụng một lúc.

Bạn có thể bị thấy đau đến mức không ngủ được vì những cơn gò. Đây là lúc để bạn thực hiện các kĩ thuật thả lỏng như đã được hướng dẫn trong lớp học tiền sản để chuẩn bị cho việc sinh nở sắp tới.

Càng gần đến ngày sinh, các cơn gò càng diễn ra nhiều và mạnh hơn đến nỗi, bạn có thể tự hỏi có phải đây là lúc “đó”.

Triệu chứng này được gọi là “sinh giả” nhiều thai phụ đã nhầm và vội đến bệnh viện vào giữa đêm vì lo sắp chuyển dạ. Sau đó, họ lại phải về nhà để tiếp tục chờ đợi đến ngày sinh thật.

Các cơn gò giả thường không diễn ra đều đều và chúng thường biến mất khi bạn đứng dậy đi lại. Những cơn co tử cung (cơn gò “thật”) thường diễn ra theo một chu kỳ đều và sẽ mạnh dần lên. Do đó, nếu bạn thắc mắc mình sắp sinh hay không, bạn có thể phán đoán bằng cách làm một bảng theo dõi, ghi lại thời gian diễn ra các cơn gò chúng cách nhau khoảng bao lâu và kéo dài trong bao lâu?

Các cơn gò thường không diễn ra theo cách giống nhau và nếu bạn đứng dậy để đi lại, chúng sẽ nhanh chóng biến mất. Các cơn gò “thật” thường diễn ra dần dần, mạnh hơn và thường xuyên hơn.

Nếu vẫn không chắc, bạn nên gọi điện hỏi bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn. Có thể đó chỉ là cơn gò giả, nhưng đó cũng có thể là lúc bạn thực sự lâm bồn. 

Để biết thêm, mời bạn đọc bài Sinh con