Lựa chọn sinh mổ / Sinh mổ lần 2

Với những ai chưa hiểu rõ sinh mổ là gì có thể tham khảo định nghĩa chung do Wikipedia cung cấp: “sinh mổ là một cuộc phẫu thuật để sinh một hoặc nhiều em bé qua vết mổ trên bụng và tử cung người mẹ. Đó là một cách sinh khác ngoài sinh thường tự nhiên.”

Việc sinh mổ tự chọn ngày càng phổ biến. Hầu hết bác sĩ khuyên bạn sinh mổ khi thai nhi khoảng 39 tuần tuổi, nếu đau bụng sinh trước 39 tuần, bạn có thể chọn sinh mổ bình thường. Theo các nghiên cứu bởi Turnbull, Raheem và Salloum, cứ 1 trong 3 phụ nữ từng sinh mổ thì lần sau họ sẽ có khả năng lựa chọn sinh mổ lần 2 nhiều hơn sinh thường.

Lý do chính khi phụ nữ chọn sinh mổ / sinh mổ lần 2

  • Nếu em bé quá lớn và có thể ảnh hưởng đến cổ tử cung khi chuyển dạ
  • Vị trí em bé không thuận lợi để sinh thường
  • Tình trạng sức khỏe có thể gây khó khăn hoặc phức tạp nếu sinh thường
  • Quá lo lắng từ lần sinh trước có thể gây khó khăn cho việc sinh thường
  • Không muốn cắt tầng sinh môn (một phẫu thuật vùng đáy chậu để mở rộng âm đạo cho dễ sinh)
  • Một số người muốn sinh mổ để chọn ngày tốt hoặc sinh vào thời điểm thuận lợi cho việc nghỉ sinh.
  • Không muốn đau đẻ theo cách sinh tự nhiên và làm tổn thương âm đạo
  • Được dự đoán sinh 3, sinh 4 hoặc nhiều hơn

Sinh mổ đôi khi được thực hiện cùng với việc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng vốn tiềm ẩn một số rủi ro với người mẹ và em bé cũng như khi thực hiện các phẫu thuật khác. Một số rủi ro như:

  • Nguy cơ từ việc sử dụng và phản ứng có thể có từ thuốc gây mê
  • Sinh non ngoài ý muốn (nếu tính sai tuổi thai) làm tăng rủi ro về đường hô hấp ở em bé
  • Hội chứng suy hô hấp do chất lỏng vẫn còn trong phổi em bé (chất lỏng này vốn có sẵn trong phổi khi em bé vẫn còn trong tử cung người mẹ, nếu sinh mổ chất lỏng này sẽ không được tống hết ra ngoài như sinh thường)
  • Tăng nguy cơ tử vong ở người mẹ

Cần xem xét các yếu tố rủi ro, nhưng nên nhớ là hình thức sinh nào cũng có rủi ro, vì vậy bạn cần nắm rõ thông tin về các phương pháp sinh để quyết định có nên sinh mổ không.

Sinh mổ tự chọn diễn ra thế nào?

Bạn sẽ nhận được một đôi vớ để mang khi phẫu thuật giúp ngăn chặn việc hình thành máu đông,sơn móng tay được yêu cầu tẩy sạch, phải tháo hết đồ trang sức ra, lông mu bị cạo sạch. Trong phòng mổ, bạn sẽ được gây tê tại chỗ hoặc toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng. Ông xã bạn được yêu cầu mặc áo của phòng mổ và thường được ở lại bên bạn.

Bác sĩ gây tê sẽ kiểm tra để chắc chắn là bạn đã mất cảm giác trước khi bắt đầu mổ. Một tấm màn được dựng lên để bạn không nhìn thấy những gì đang diễn ra sau tấm màn đó, một ống thông tiểu được đặt vào người bạn, bác sĩ sẽ mổ ngay mép trên quần lót để tiếp cận vào tử cung của bạn. Có thể bạn sẽ có cảm giác bị giật mạnh hoặc bị lục lọi gì đó nhưng không thấy đau. Em bé được lấy ra trong vòng 3 đến 5 phút sau khi mổ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, bạn có thể bế con trên ngực trong khi bác sĩ khâu lại vết mổ. Toàn bộ ca mổ kéo dài khoảng 30 phút. Sau đó bạn được chuyển ra phòng hồi sức rồi về phòng của mình. Các nữ hộ lý sẽ khuyến khích bạn cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt.

 

Bạn nên đem theo vài thứ để  hỗ trợ khi nằm viện và sinh mổ, gồm:

  • Quần áo rộng, nên nhớ là bạn có thể cho bé bú mẹ sau khi sinh mổ nên quần áo cần thuận tiện cho bé bú
  • Dép đi trong nhà
  • Quần lót lưng cao để không cấn vào vết mổ
  • Vật dụng phòng tắm (xà phòng, khăn tắm, v.v…)
  • Đồ để em bé mặc về nhà
  • Đem theo đồ ăn uống riêng nếu bạn là người kén ăn do đồ ăn ở bệnh viện thường khó nuốt
  • Đem theo ít thực phẩm giàu chất xơ và trái cây như mận khô để hệ thống tiêu hóa có thể trở lại hoạt động sau khi sinh mổ càng sớm càng tốt
  • Thẻ khám bệnh và các giấy tờ bảo hiểm y tế có liên quan
  • Dầu xoa bóp để ông xã hoặc ai đó trong gia đình dùng để xoa bóp cho bạn sau khi mổ...
  • Đem thêm vài cái gối và chăn
  • Ghế để đặt em bé trên xe hơi khi về nhà

Sau khi sinh mổ

Ống thông tiểu vẫn được đặt trong người bạn cho đến sáng sau hôm mổ. Bạn cũng sẽ có một ống truyền nhỏ dẫn vào tĩnh mạch ở cánh tay, vẫn phải mang vớ, uống thuốc giảm đau nhưng nữ hộ lý sẽ khuyên bạn đi lại càng sớm càng tốt để thúc đẩy lưu thông máu và ngăn ngừa máu đông. Dự kiến bạn nằm viện khoảng 3 ngày và nên sắp xếp để có ai đó hỗ trợ ở nhà bởi bạn sẽ thấy khó khăn trong những ngày đầu về nhà.

Có thể mất từ 8 tuần đến 4 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn sau khi sinh mổ (tùy thuộc nhiều yếu tố như sinh mấy con, sức khỏe trước khi sinh và bất kì biến chứng nào trong lúc mổ). Nếu ca mổ không quá phức tạp, bạn có thể chọn sinh mổ hoặc sinh thường trong lần sinh kế tiếp, tuy nhiên, nên để ít nhất một năm để vết mổ lành hẳn trước khi có em bé khác.

Để mau hồi phục, sau khi từ bệnh viện về, bạn có thể thực hiện một số điều sau:

  • Một trong những điều quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi. Cố gắng hạn chế lượng khách đến thăm và các hoạt động thể chất, chỉ nghỉ ngơi và ngủ càng nhiều càng tốt
  • Uống nhiều nước để thay cho lượng máu bị mất trong lúc mổ
  • Tránh lên xuống cầu thang càng nhiều càng tốt
  • Dùng nhiều gối để tựa lưng khi cho con bú
  • Kiêng giao hợp ít nhất 6 tuần sau mổ
  • Khi hết ra máu và vết sẹo mổ đã lành hẳn, hãy thử bơi lội. Bơi là một trong những bài thể dục tốt nhất giúp bạn mau hồi phục

Có một chút tranh cãi quanh vấn đề sinh mổ, nhiều người cho rằng không nên sinh mổ. Nhưng bạn cũng không nên chú ý đến những người phản đối việc sinh mổ mà hãy làm những gì bạn cho là đúng và không nên để bị tác động bởi mặt tiêu cực của chuyện sinh mổ. Bạn nên tự tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt để có quyết định đúng đắn nhất cho mình.