Tiêm phòng uốn ván: Đợi đến khi có vết thương mới đi tiêm thì đã muộn!

Một nghịch lý đáng buồn là dù trong vòng 20 năm, nguy cơ tử vong của người bệnh uốn ván trên thế giới giảm từ 50% xuống còn dưới 5% nhưng ở Việt Nam người bị uốn ván tử vong lại ngày càng gia tăng. Vào thời điểm này, ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân nằm xếp lớp để thở máy chỉ vì chủ quan, đợi đến khi bị thương mới đi “chữa bệnh”… và với nhiều trường hợp, đến viện cũng đã muộn!

Hôn mê sâu, tính mạng bị đe dọa vì… té trầy đầu gối!

Theo công bố mới nhất của Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, chỉ tiêu giường bệnh ở khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc người lớn của bệnh viện là 20 giường, nhưng số ca uốn ván thở máy chiếm đến 25. Tất cả bệnh nhân ở đây phải nằm xếp lớp… thở máy.

Có bệnh nhân tình trạng khá nặng, các bác sĩ phải mở khí quản (mổ một lỗ nhỏ ở cổ), hỗ trợ thở máy để duy trì sự sống. Đó là bệnh nhân N.T.M. (36 tuổi, nhà ở tỉnh Tây Ninh). Chị M. bị té xe trầy xước đầu gối, dù đã đến trạm xá để xử lý vết thương nhưng vết thương vẫn mưng mủ, sưng đỏ tấy. Vài ngày sau chị M. bị cứng miệng, gồng cứng người, không thể ăn uống. Gần 2 tháng nằm bất động trong bệnh viện, chị M. lại thêm vết lở loét sau lưng. Tình trạng của chị không mấy khả quan…

Chị M. không phải trường hợp điển hình bị nhiễm trùng uốn ván nguy kịch tính mạng chỉ vì một vết thương rất nhỏ. Nguy cơ bị uốn ván nhiều khi chỉ đến từ việc làm cá, lột nhẫn đeo tay… hay do cây tăm xỉa răng hay cây ngoáy tai bình thường nhà nào cũng có. Bà N.T.T.C., 62 tuổi, chỉ lột chiếc nhẫn đeo bị chật ở tay, bị trầy xước, đến nửa đêm bà than khó thở rồi bị cứng hàm, cứng cổ, cứng lưng, tứ chi bất động… Dù được cấp cứu ngay sau đó nhưng bà vẫn hôn mê. Anh L.V.M., 41 tuổi, ngụ ở Q.8, TP.HCM bị viêm nướu, do xỉa răng hơi mạnh nên nướu bị chảy máu. Cứ nghĩ chỉ bị chảy máu chân răng bình thường, anh M. không thể ngờ được sau gần một tháng, chỗ nướu bị thương sưng to khiến anh khó mở miệng. Cơn co cứng lan nhanh từ hàm xuống cổ, lưng, tứ chi vì uốn ván khiến anh không thể cử động…

 

Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc người lớn ở Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM chỉ có 20 giường, nhưng hiện nay đang quá tải vì số ca uốn ván thở máy chiếm đến 25. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 1 ca nhập viện do uốn ván. (Ảnh: báo PNO)

Bệnh uốn ván và nguy cơ chết người vì khan hiếm thuốc chữa

Bệnh uốn ván (tetanus) là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, gây ra bởi ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Vi khuẩn thường tạo nha bào uốn ván, nha bào này xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn…, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Bệnh khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày. Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất. Có thể nhận thấy ca bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em ở các biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng với các thể điển hình như sau:

  • Co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”;
  • Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương;
  • Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước;
  • Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
  • Đối với những trẻ bị uốn ván sơ sinh sẽ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại (dấu hiệu cứng hàm). Sau đó trẻ có những cơn co giật và co cứng, uốn cong người, đầu ngả ra sau, hay tay khép chặt kèm theo sốt, rối loạn tiêu hóa.

Để điều trị bệnh uốn ván khi đã có các biểu hiện lâm sàng như mô tả trên, hiện có 2 loại thuốc gồm hoạt chất diazepam và midazolam, dùng để tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch bệnh nhân. Mỗi ngày, bệnh nhân sẽ được tiêm 12 ống vào cơ thể. Nhưng nguồn thuốc bị thiếu do đây là loại thuốc hướng tâm thần, được xếp vào nhóm thuốc kiểm soát chặt chẽ nên ít công ty được phép nhập về Việt Nam. Do đó, nhiều bệnh viện không có đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân trong thời điểm này, khiến tính mạng của nhiều người bị đe doạ.

Bệnh dễ phòng, khó chữa nên cần chích vắc xin phòng bệnh

ThS. BS Nguyễn Hiền Minh, Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết: “Có rất nhiều yếu tố thông thường khiến gia tăng nguy cơ uốn ván, trong đó bao gồm: hệ miễn dịch kém; vết thương hở như xăm mình, xỏ khuyên trong điều kiện vô trùng kém, vết tiêm; bỏng lan rộng; vết thương do phẫu thuật; nhiễm trùng tai; vết cắn của động vật; vết loét bị nhiễm trùng ở chân… Hơn nữa, bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Khi bị nhiễm trùng uốn ván, người bệnh sẽ bị tăng trương lực và co cứng cơ, co giật, suy hô hấp, loạn nhịp tim, suy tim… dẫn đến ngưng thở và tử vong”.

“Bệnh uốn ván rất dễ phòng, nhưng lại khó chữa. Ngừa bệnh rất rẻ nhưng chi phí điều trị có khi lên cả trăm triệu đồng cũng chưa chắc giữ được tính mạng. Do đó, chích ngừa chủ động phòng bệnh uốn ván là việc nên làm. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai cần tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho con. Từ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm những vắc xin cộng hợp (6in1, 5in1) trong đó có chứa kháng nguyên bảo vệ trẻ phòng bệnh uốn ván. Trẻ 2 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu, 2 mũi sau tiêm cách nhau 1 tháng và chích mũi nhắc khi trẻ được 15-18 tháng tuổi. Đối với trẻ em trên 15 tuổi và người lớn cũng cần chích nhắc vì kháng thể uốn ván qua lứa tuổi này sẽ không còn khả năng ngừa được bệnh. Với những người bị thương nhưng chưa tiêm phòng uốn ván, ngay sau khi xử lý vết thương nên đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tiêm vắc xin uốn ván và huyết thanh kháng uốn ván”, bác sĩ Minh nói thêm.

Trẻ được chích ngừa tại Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC

Ngoài ra, người dân cần biết cách xử lý khẩn cấp khi bị thương bằng cách:

– Xử lý vết thương đúng cách: khi mới có vết thương dù lớn hay nhỏ, cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn, đất, cát, thì nên dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô. Lưu ý, với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine)  trực tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô.

– Với vết thương có dị vật thì rửa tay sạch rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương và thay băng hàng ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế xử lý dị vật.

– Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc rê, thuốc bột…

Thông tin về các vắc xin phòng uốn ván:

Vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ chuẩn bị mang thai: Vắc xin Adacel – là vắc xin kết hợp 3 thành phần giải độc tố uốn ván hấp phụ; giải độc tố bạch hầu liều thấp hấp phụ và ho gà vô bào. Adacel được chỉ định sử dụng làm mũi nhắc 1 liều duy nhất cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn để phòng các bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà.

Vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu: tiêm VAT 2 mũi, nên tiêm vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, mũi tiêm cuối nên tiêm trước khi sinh 1 tháng

Vắc xin phòng uốn ván cho trẻ em: PENTAXIM – Vắc xin 5 trong 1 (Phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván,bại liệt và các bệnh do HIB) hoặc INFANRIX – Vắc xin 6 trong 1 (Phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do HIB):

Huyết thanh phòng uốn ván SAT: được dùng để phòng ngừa uốn ván ở người vừa mới bị vết thương có thể nhiễm bào tử uốn ván, bao gồm những người không tiêm ngừa uốn ván trong 10 năm gần đây, hoặc không nhớ rõ lịch tiêm uốn ván. Liều 1500 UI/ml nên được tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị thương. Trẻ em và người lớn dùng liều như nhau.

Số điện thoại tư vấn: 1800 6595

VNVC Hà Nội: 180 Trường Chinh, Quận Đống Đa

VNVC TP.Hồ Chí Minh: 198 Hoàng Văn Thụ, P. 9, Quận Phú Nhuận