Mẹ không chích ngừa thủy đậu, con lãnh đủ!

Cứ nghĩ mình “miễn nhiễm” với thủy đậu, chị Hoa (Bình Dương) bất ngờ bị lây từ đứa cháu đang là sinh viên ở chung nhà. Khi các nốt mụn trên da cô cháu gái lành hẳn để lại sẹo lõm lỗ chỗ trên khuôn mặt xinh xắn, cũng là lúc chị hay tin mình bắt buộc phải bỏ thai vì thai nhi nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh cao do chị đã bị lây bệnh thuỷ đậu từ cháu gái.

Vì sao người lớn nhiễm bệnh lại nặng và biến chứng nguy hiểm hơn trẻ nhỏ? Vì sao một căn bệnh lành tính lại có thể gây bội nhiễm nguy hiểm đến tính mạng? Biến chứng nào nguy hiểm nhất? Liệu tắm lá và các bài thuốc dân gian có giúp bệnh tình thuyên giảm? Liệu có cách nào ngăn chặn kịp thời nguy cơ bị lây nhiễm căn bệnh này không? ThS. Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha – GĐ Y khoa Trung tâm Tiêm chủng VNVC (189 Hoàng Văn Thụ, P9, Phú Nhuận, TP. HCM) sẽ giải đáp các thắc mắc này.

Cơ chế gây bệnh của thủy đậu

Thủy đậu không chừa một ai, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả trẻ sơ sinh và phụ nữ đang mang thai. Có rất nhiều người lầm tưởng rằng khi đã chích ngừa một lần sẽ có miễn dịch suốt đời và không bị nhiễm bệnh. Sự thật là vẫn có trường hợp bị mắc bệnh thủy đậu vì tiêm chủng không đủ phác đồ theo lịch khuyến cáo tiêm chủng. Thời gian dịch bệnh thủy đậu bùng phát nhất là vào thời điểm cuối đông đầu xuân, kéo dài sang hè.

Thủy đậu là bệnh cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra, lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi nhảy mũi hoặc bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh hoặc có thể lây lan gián tiếp thông qua dịch tiết của người bệnh dính ở đồ vật.

Sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh, bệnh bắt đầu xuất hiện ở bệnh nhân. Ban đầu bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Thời kỳ lây truyền của bệnh 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Nếu được chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân sẽ không có biến chứng. Bệnh kéo dài 7-10 ngày, sau đó các nốt bỏng nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo. Nếu chăm sóc sai cách, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nốt bỏng nước có thể để lại sẹo lõm rất xấu. Bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Những quan niệm sai lầm về bệnh thủy đậu phải trả giá đắt!

Đây là cháu bé mới được 4 tháng tuổi, còn ẵm ngửa, chẳng may bị thủy đậu và mẹ tự chữa bằng lời mách của bác sĩ google

Mẹ cháu là người Phúc Thọ, Hà Nội, thấy con bị thủy đậu nổi mụn nước bèn đi hỏi thăm khắp nơi rồi theo lời mách của mọi người, chị ấy lấy lá thuốc nam tắm cho con trị các nốt thủy đậu. Chỉ 2 ngày sau các nốt này bắt đầu phồng rộp, lở loét. Thủy đậu là căn bệnh lành tính nhưng mẹ chăm sai cách khiến con rơi vào tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc da rất nặng. Cơ thể bé lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh. Thằng bé khóc liên tục do tổn thương vùng miệng nên không thể bú mẹ.

Có rất nhiều mẹ như chị Hoa được nhắc tới ở đầu bài viết, do kiến thức về chăm sóc sức khoẻ tiền sản (trước khi mang thai) hạn chế nên phớt lờ cảnh báo của các bác sĩ, hoặc không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của bệnh thủy đậu nên bỏ qua các mũi chích quan trọng trước khi mang thai, để rồi con cái phải lãnh hậu quả. Vào đợt dịch thủy đậu bùng phát, rất nhiều sinh linh trong bụng mẹ không được nhìn thấy ánh mặt trời do mẹ phải chấm dứt thai kỳ sớm vì thủy đậu.

Không đến nỗi quá bi đát như chị Hoa, bệnh nhân Thư nhập viện Bệnh viện E (Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân, đau đầu, mệt mỏi. Được biết chị Thư trước đó phải chăm sóc con (2 tuổi) mắc thủy đậu. Khi con chị được điều trị khỏi bệnh, thì mẹ phải nhập viện điều trị và theo dõi biến chứng thủy đậu. Những ngày sau đó, chị Thư vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, có nốt mới mọc… Sau khi chữa lành, toàn thân chị lỗ chỗ vết sẹo thâm và sâu.

Xem thêm: Tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai bao lâu

Biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu

Hai đối tượng cần phải đề phòng với thủy đậu, chính là trẻ em và thai phụ.

Hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện, thủy đậu có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách. Nhẹ thì viêm da, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau vì mụn nước thủy đậu. Nặng thì biến chứng viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.

Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Với phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13 – 20 tuần đầu, mắc bệnh thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, mắc chứng đầu nhỏ…). Còn nếu mẹ bị mắc thủy đậu trong những ngày sắp sinh, con bị lây bệnh với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Cách phòng tránh tốt nhất: chính là tiêm chủng!

Trẻ được chích ngừa tại Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC

90% những người đã chủng ngừa thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.

Từ con số cụ thể này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất.

  • Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Đối với trẻ nhỏ lịch tiêm chủng khuyến cáo nên tiêm lần đầu tiên lúc 12 tháng tuổi và tiêm thêm một mũi nhắc lúc 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.
  • Đối với trẻ em từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng

Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này. Vì thế, khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên chủ động tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.

THÙY DUNG