Trẻ sơ sinh dễ nhiễm lao nếu không được tiêm vắc xin BCG

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ lây lan, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, kể từ ngày 01/01/2018, tất cả trẻ sơ sinh bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng lao BCG càng sớm càng tốt khi đủ cân nặng và sức khỏe.

Vắc xin BCG là gì?

Vắc xin BCG là một loại vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất từ chủng vi khuẩn của Calmett – Guérin (Bacill de Calmett – Guérin, viết tắt là BCG), có tác dụng phòng bệnh lao.

Tại Việt Nam, vắc xin BCG thường sử dụng để tiêm cho trẻ sơ sinh và có thể chỉ định tiêm vét ở trẻ dưới 1 tuổi. Ngoài ra, cũng có thể tiêm vắc xin BCG cho những người lớn chắc chắn chưa nhiễm lao (phản ứng Mantoux âm tính).

Vắc xin BCG cần được bảo quản lạnh trong mức nhiệt từ 2-8 độ C để đảm bảo chất lượng vắc xin

Bệnh lao được gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis – MTB). Bệnh không di truyền nhưng dễ lây qua tiếp xúc đường hô hấp, trong đó trẻ sơ sinh là đối tượng dễ lây bệnh nhất.

Triệu chứng điển hình của bệnh lao là ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sốt nhẹ về chiều, ra nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lao phổi có thể gây ra một số biến chứng nặng như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu. Những biến chứng này khiến cho quá trình điều trị lao phổi trở nên phức tạp hơn.

Cho đến nay, tiêm vắc xin BCG vẫn là biện pháp dự phòng bệnh lao hiệu quả nhất. Nhờ sự xuất hiện của vắc xin BCG, hàng triệu trẻ em Việt Nam đã được cứu sống khỏi bệnh lao, nâng cao chất lượng sống.

Thời gian và điều kiện tiêm vắc xin BCG

Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin phòng lao BCG càng sớm càng tốt trong tháng đầu tiên sau sinh, khi trẻ có cân nặng trên 2.5 kg.

Vắc xin BCG chống chỉ định trong các trường hợp: đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Do đó, nếu khi sinh ra bé không đáp ứng được điều kiện sức khỏe hoặc cân nặng, nên chờ cho đến khi bé đủ cân và đủ sức khỏe thì tiêm vắc xin BCG ngay.

Bé cần được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin BCG

Làm sao để biết bé đã có miễn dịch sau khi tiêm vắc xin BCG?

Với vắc xin BCG, phần lớn trẻ em đều có phản ứng tại chỗ tiêm như đau, sưng, nóng. Một số trẻ có thể có sốt nhẹ, quấy khóc, bú kém và sẽ hết sau một vài ngày.

Đặc biệt, sau khi tiêm vắc xin BCG thường xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 2 tuần sẽ xuất hiện một vết loét nhỏ có kích thước nhỏ, 2 tuần tiếp theo thì vết loét tự lành và để lại sẹo khoảng 5mm. Biểu hiện này chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch.

Nếu sau 3 tháng kể từ ngày tiêm vắc xin BCG vẫn không thấy sẹo tại vùng tiêm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thử phản ứng Mantoux. Trường hợp kết quả thử là âm tính thì cần cho trẻ tiêm lại vắc xin phòng lao. Việc tiêm phòng lao lại sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé.

An toàn, thuận tiện khi tiêm vắc xin phòng lao BCG tại VNVC

Tiêm vắc xin BCG tại Trung tâm tiêm chủng VNVC, trẻ sẽ được miễn phí khám sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng tốt nhất. Theo đó, bé sẽ được kiểm tra cân nặng, thân nhiệt cơ thể, nghe phổi, nghe tim… và phát hiện các biểu hiện bất thường khác để đảm bảo bé đủ sức khỏe và cân nặng trước khi tiêm phòng lao.

Sau khi tiêm, bé được theo dõi 30 phút tại phòng chờ rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ. VNVC đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).

Đặc biệt, các mẹ và bé sẽ được thuận tiện tối đa với các phòng chuyên biệt cho trẻ nhỏ như phòng thay tã, phòng cho bé bú, phòng chăm sóc (ngủ), phòng pha sữa… Hệ thống điều hòa được lắp đặt toàn trung tâm giúp bé luôn có cảm giác thoái mái nhất khi đến tiêm.

Để đăng ký tiêm vắc xin tại VNVC, khách hàng có thể để lại thông tin tại đây, hoặc gọi tới tổng đài 1800 6596.