Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi trong mùa hè

1. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản

Trẻ sơ sinh là những trẻ có tuổi dưới 1 tháng tuổi. Trong độ tuổi này, hoạt động cơ bản của trẻ thường chỉ bao gồm bú mẹ, ngủ, đi ngoài và đi tiểu…Mặc dù vậy, chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên luôn là thử thách đối với nhiều bố mẹ, đặc biệt là những ông bố bà mẹ có trẻ đầu lòng. Mẹ nên lưu ý một số vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản sau  có thể giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bé yêu của mình nhé.

Tắm cho bé sơ sinh

Trẻ sơ sinh nên được tắm từ ngày tuổi thứ 2, và chỉ cần được tắm 2 đến 3 ngày một lần là đủ. Nên tắm cho bé trong môi trường ấm áp. Trước khi đặt em bé xuống nước, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của nước với khuỷu tay của mẹ. Sử dụng xà phòng nhẹ, và khăn lau mềm. Tham khảo Cách tắm cho trẻ sơ sinh.

Thay tã và theo dõi tã cho bé

Mẹ nên thay tã cho bé sơ sinh thường xuyên, ngay khi nó ướt hoặc bẩn. Ban đầu, mẹ có thể cảm thấy vụng về nhưng sẽ dần quen với công việc này khi thường xuyên làm. Mẹ hãy xem thêm những mẹo sau để giúp việc thay tã trở nên dễ dàng hơn nhé:

  • Chuẩn bị sẵn sàng: Trước khi bắt đầu thay tã, hãy đảm bảo có những thứ cần thiết trong phạm vi mà mẹ dễ tiếp cận nhất.
  • Đảm bảo an toàn: Nếu bạn sử dụng bàn thay tã, hãy đảm bảo nó phải chắc chắn và có dây an toàn. Cũng chắc chắn rằng nó có rất nhiều ngăn để chứa tất cả các thứ bạn cần để thay cho trẻ. Hãy nhớ không bao giờ quay lưng lại trong khi thay tả cho bé nhé.
  • Làm sạch: Nhẹ nhàng làm sạch da bé.

- Đối với bé gái: Lau bộ phận sinh dục từ trước ra sau. Trong 4 tuần đầu sau khi sinh, việc các bé gái có chất tiết trắng, màu sữa hay máu là điều bình thường các bạn nhé.

- Đối với bé trai: Làm sạch dưới bìu. Không đẩy hoặc kéo bao quy đầu vào dương vật.

Chăm sóc rốn bé sơ sinh trong những ngày đầu

Dây rốn của bé không cần một sự chăm sóc đặc biệt nào, mẹ chỉ cần giữ cho nó sạch và khô là đủ. Nếu dây rốn bẩn chỉ cần lau bằng khăn bông ấm, ướt, bông cotton hoặc bông tăm (Q-tip) và để khô. Nếu da xung quanh rốn trở nên đỏ, cứng, có mủ hoặc mùi hôi - hãy gọi cho bác sĩ nhé. Đây có thể là biểu hiện của bệnh nhiễm trùng vùng rốn và cần điều trị thích hợp.

Cho trẻ bú mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất mà bé cần trong 6 tháng đầu đời. Không cần cho trẻ uống gì khác như: nước, nước đường, nước trái cây, và đồ uống điện giải trừ khi bạn được bác sĩ hướng dẫn khi bé yêu có vấn đề về sức khỏe. Sữa bò hoặc sữa dê cũng không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Hãy cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, mẹ hãy đảm bảo trẻ bú được 6-8 lần trong ngày để trẻ bú được lượng sữa cần thiết cho sự phát triển nhé.

Giấc ngủ trẻ sơ sinh

Hầu hết trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, từ 18 đến 20 giờ một ngày. Khi  lớn hơn, trẻ sẽ cần ngủ ít hơn. Mỗi em bé có giờ ngủ khác nhau và không có lịch trình, mẹ nên thích nghi với giấc ngủ của bé.

Nên cho trẻ ngủ ở tư thế nằm ngữa vì ở tư thế này thực quản sẽ nằm phía dưới khí quản nên sữa hay thức ăn sẽ ít có nguy cơ trào vào đường thở. Điều này làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ. Các tư thế ngủ khác mẹ có thể hỏi bác sỹ chuyên khoa trong trường hợp bé yêu có vấn đề về sức khỏe và cần được tư vấn.

2. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa hè

Trong mùa hè, nhiệt độ môi trường ở nước ta thường quá nóng. Điều này làm các ông bố bà mẹ thường đặc ra nhiều vấn đề về sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số vần đề mà mẹ nên tham khảo để có thể chăm trẻ tốt hơn trong mùa hè nhé.

Trẻ có cần uống thêm nước hay không?

Đối với trẻ sơ sinh, dinh dưỡng và thức uống tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ các bạn nhé. Mẹ không cần cho trẻ uống thêm nước vào mùa hè. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh lý có thể gây mất nước cho trẻ như tiêu chảy hay sốt cao, mẹ không nên cho trẻ tự uống nước thêm ở nhà mà nên đến bác sỹ hay cơ sở y tế khám để có lời khuyên hợp lý nhất nhé.

Trẻ có bị sốt khi trời nóng hay không?

Ở trẻ sơ sinh, việc tăng thân nhiệt dễ xảy ra do trẻ sơ sinh không thể nói  rằng trẻ đang nóng hay đang khát, hệ thống điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa phát triển đầy đủ, trẻ sơ sinh có ít tuyến mồ hôi hơn người lớn nên vai trò thải nhiệt qua mồ hôi bị hạn chế. Ngoài ra, tốc độ tăng thân nhiệt của trẻ cũng lớn gấp 3-5 lần người lớn. Vì vậy mẹ hãy chú ý đến các biểu hiện của tăng thân nhiệt như ít nước mắt khi khóc, ít đi tiểu hơn (ít hơn 6 lần một ngày) hay nước tiểu có màu vàng đậm hoặc có mùi…khi thời tiết nóng nhé. Để phòng việc tăng thân nhiệt, mẹ nên giữ phòng thật thoáng mát, cho trẻ mặc những loại áo quần mát mẻ và thấm mồ hôi tốt,  hạn chế đưa trẻ ra ngoài trong những ngày nóng bức. Tăng thân nhiệt khác với sốt (nhiệt độ cơ thể tăng lên do phản ứng viêm với các tác nhân vi khuẩn hay virus gây bệnh) về cơ chế nhưng có điểm chung là làm thân nhiệt của trẻ tăng lên. Cả hai trường hợp này đều cho thấy tình trạng cơ thể của trẻ không được khỏe. Vì vậy khi cảm thấy trẻ nóng hơn bình thường, mẹ hãy dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể của trẻ. Khi thân nhiệt trẻ lớn hơn 37,50C,  cần đưa trẻ đến bác sỹ khám để tìm nguyên nhân và được hướng dẫn xử trí một cách hợp lý.

Có cần tắm cho trẻ nhiều hơn không?

Khi thời tiết nóng, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi hơn để điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên mồ hôi của trẻ thường không có nhiều mùi như người lớn nên bạn không cần phải tắm trẻ nhiều hơn. Trong trường hợp trẻ dính nhiều phân hay tã trẻ quá bẩn, mẹ có thể tắm cho trẻ để đảm bảo vệ sinh nhé.

Nhiệt độ phòng bao nhiêu là phù hợp?

Khả năng điều hòa thân nhiệt ở trẻ sơ sinh kém hơn nhiều so với người lớn và rất dễ bị hạ thân nhiệt nếu nhiệt độ phòng quá lạnh. Vì vậy, nếu phòng của bé có sử dụng điều hòa , hãy đảm bảo trẻ mặc đủ quần áo và để nhiệt độ khoảng 25-280C nhé. Trong trường hợp tắm trẻ trong phòng, hãy tắm trẻ bằng nước ấm và tránh hơi lạnh phả vào người trẻ.