Cai sữa cho bé

Khi tìm hiểu các thông tin về việc nuôi còn bằng sữa mẹ, các bà mẹ thường quan tâm tới làm thế nào để cho con bú mẹ đúng cách mà quên mất chuyện làm sao cai sữa cho bé. Sữa mẹ dù có tốt đến đâu thì cũng sẽ tới thời điểm trẻ cần được cai sữa để chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo. Mỗi trẻ có thể có thời điểm cai sữa khác nhau, đôi khi vài tuần sau khi sinh, hoặc kéo dài đến vài tháng hoặc thậm chí có trường hợp bé được cai sữa khi đã chập chững biết đi.

Những nguyên nhân để cai sữa cho con có thể xuất phát từ trẻ hoặc từ mẹ, có thể từ cả hai. Và để cai sữa cho con không đơn giản như bạn tưởng. Việc trẻ bú mẹ luôn là một điều thiêng liêng với bất cứ người phụ nữ nào. Đây cũng là sợi dây vô hình gắn kết mẹ và bé. Vì thế, cai sữa cho con đôi khi làm cho các bà mẹ cảm thấy buồn bã vì không còn được ôm con trong lòng cho bé ti mẹ.

Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn và bé cũng đều phải đối mặt với thời điểm này. Vì vậy, hãy tham khảo thêm những thông tin sau đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn việc làm thế nào để cai sữa cho con nhé!

Tại sao phải cai sữa cho trẻ?

  • Có thể trẻ tự muốn bỏ ti mẹ. Bạn sẽ thấy trẻ bỗng dưng không hứng thú ti mẹ nữa, hoặc có thể dần dần mất hứng thú trong việc bú mẹ. Đây là quá trình phát triển bình thường.
  • Khi bạn không đủ sữa. Nhưng có nhiều bà mẹ cai sữa sớm cho con vì nghĩ mình không có đủ sữa cho con bú. Điều này không hẳn lúc nào cũng đúng.
  • Có thể do vài nguyên nhân nào đó, bạn không thấy thoải mái trong chuyện cho con bú mẹ. Một số khác muốn cai sữa sớm cho con.
  • Khi bạn gặp vấn đề về ngực khi cho con bú, như đầu ti bị nứt, sưng, đau đớn kéo dài hay những vấn đề khác liên quan đến ngực và phải ngưng cho trẻ bú mẹ.
  • Sau thời gian nghỉ thai sản, bạn sẽ phải quay lại làm việc và vì đó không đủ điều kiện cho trẻ bú mẹ thường xuyên. Hãy liên lạc với phòng Nhân Sự ở công ty bạn để tìm hiểu về chính sách nghỉ thai sản.
  • Bạn sẽ phải cai sữa cho trẻ nếu bị ốm và phải sử dụng thuốc không phù hợp cho việc cho con bú mẹ.
  • Nếu bạn đang chữa trị ung thư vú hay những bệnh liên quan thì không thể cho trẻ bú mẹ.
  • Trong trường hợp bạn phải nhập viện và không thể ở bên cạnh con để cho trẻ bú thường xuyên.
  • Trong 12 tháng đầu đời, trẻ cần một lượng sữa đủ để con phát triển trí não. Nhiều bé không bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết sẽ sinh ra hiện tượng không muốn bú mẹ nữa.
  • Nếu con bạn đang bị ốm và không có khả năng bú mẹ hay không muốn bú sữa mẹ được chắt ra bình.

Những trải nghiệm của các bà mẹ khi cai sữa cho con

  • Các bà mẹ có thể gặp rất nhiều áp lực khi dù không muốn vẫn phải cố gắng có sữa cho con bú nên khi cai được sữa cho con các bà mẹ thường thấy nhẹ nhõm
  • Thất vọng, buồn và tự trách. Đây là tâm trạng thường gặp khi các bà mẹ phát hiện ra con mình vô cớ không còn thích bú mẹ nữa.
  • Cảm thấy mâu thuẫn khi không ngại chuyển sang cho con bú sữa ngoài, nhưng đồng thời vẫn thấy luyến tiếc cho bé bú mẹ.
  • Có một số các bà mẹ sẽ cảm thấy tức giận khi việc cho bé bú mẹ hay cai sữa cho con không theo ý mình mong muốn.

Những nguồn dinh dưỡng thay thế sữa mẹ

Nếu bé con của bạn dưới 12 tháng tuổi và đã cai sữa mẹ thì bạn cần cho bé uống loại sữa công thức dành riêng cho trẻ sơ sinh. Đây là loại sữa công thức được làm từ sữa bò chứa nhiều vitamin và các khoáng chất khác nhau đặc biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh. Từ sáu tháng tuổi trở đi, trẻ có thể sử dụng sữa công thức phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Sự khác biệt giữa sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và sữa dành cho các trẻ lớn hơn là nồng độ sắt. Sữa của các bé trên 6 tháng tuổi cần lượng sắt gấp đôi so với sữa dành cho các bé sơ sinh.

Các thông tin về sữa công thức sẽ được in thẳng trên hộp để tiện cho các bà mẹ kiểm tra. Nếu muốn, bạn có thể đưa bé đến bệnh viện hay các phòng khám để kiểm tra xem sữa công thức nào thích hợp cho sự tăng trưởng của bé. Bạn có thể tham khảo nhưng thông tin sau đây để biết được lượng sữa công thức trẻ cần. Hãy nhớ rằng, mỗi em bé đều khác nhau, vì vậy những thông tin sau chỉ mang tính tương đối thôi nhé!

Lượng sữa công thức trung bình cần cho trẻ:

  • Trẻ một ngày tuổi: mỗi ngày cần 30ml trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ 2 ngày tuổi: 60ml mỗi ngày trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ 3 ngày tuổi: 90ml mỗi ngày trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ 4 ngày tuổi: 120ml mỗi ngày trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ từ 5 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: 150ml mỗi ngày trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ từ 3 đến sáu tháng tuổi: mỗi ngày 120ml trên 1 kg tổng trọng lượng cơ thể bé.
  • Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 100 ml mỗi ngày trên 1kg tổng trọng lượng cơ thể bé.

Nếu con bạn có vấn đề tiêu hóa sữa công thức, bạn có thể tìm những loại sữa công thức đặc biệt dành riêng cho trường hợp này. Thay vì làm từ sữa bò, những loại sữa công thức này được làm từ đậu nành, nên không chứa lactose hay protein có trong sữa bò, nhờ đó tăng khả năng tiêu hóa cho trẻ.

Làm thế nào nếu bé không chịu bú bình?

Rất nhiều bà mẹ đều gặp phải trường hợp con mình không chịu bú bình. Đây là giai đoạn thường gặp khi con bạn chuyển từ hình thức bú mẹ sang bú bình. Và một nguyên nhân khác là do sữa mẹ và sữa công thức có mùi vị rất khác nhau, các bé có thể dễ dàng nhận ra và từ đó không chịu bú bình. Để giúp trẻ làm quen hơn, bạn cần kiên nhẫn và luyện tập dần cho con để con làm quen với mùi vị sữa mới và phương thức bú bình.

Có một mẹo nhỏ dành cho bạn là hãy nhờ một người khác cho con bú. Vì khi bé gần mẹ, bé có thể nhớ đến việc bú mẹ và có thể thèm ti mẹ, làm việc bú bình càng khó khăn hơn.

Phần lớn các ông bố bà mẹ sẽ cho con mình thử qua nhiều loại sữa công thức khác nhau, cũng như thay đổi nhiều kiểu bình và ti giả vì nghĩ rằng có thể tìm ra một loại tốt nhất cho con. Điều này cộng với sự kiên nhẫn và bình tĩnh của bố mẹ sẽ giúp con tiếp nhận bú bình đấy.

Những vấn đề khi cho trẻ bú bình

  • Nếu trẻ kiên trì không chịu bú bình, có thể bạn phải đưa con đi khám bác sĩ đề tìm ra cách giải quyết.
  • Số lượng tã trẻ dùng mỗi ngày có thể cho thấy trẻ có bị mất nước hay thừa nước hay không. Thông thường trẻ cần dùng ít nhất 6 tã một ngày. Nếu mắt và môi của trẻ mềm mại, không bị khô, trẻ nhiệt tình và linh hoạt thì bạn không cần phải lo lắng.
  • Nếu trẻ hay buồn ngủ, thụ động và có vẻ không khỏe, hãy sớm đưa con đi khám bác sĩ.
  • Nếu trẻ bị nôn mửa hoặc không thể hấp thụ sữa công thức, bạn cũng nên đưa con đến khám bác sĩ.

Cách tốt nhất chuyển trẻ từ bú mẹ sang bú bình là luyện tập dần dần cho trẻ. Thay vì đột ngột ngưng cho trẻ bú mẹ và chuyển ngay sang bú bình, bạn hãy thử từ từ thay thế các cữ sữa mẹ của con bằng việc bú bình. Trong trường hợp trẻ nhất quyết không chịu bú bình, bạn nên đồng thời ngưng việc bú mẹ của trẻ. Sau đó, bắt đầu cho con làm quen với bình sữa, chờ đến khi con đói mới bắt đầu cho con bú.

Cho trẻ bú sữa mẹ từ bình

Những bà mẹ có nhiều sữa, hay chọn giải pháp vắt sữa và để trẻ bú dần. Nếu bạn chọn phương pháp này, hãy tham khảo thêm những thông tin sau đây:

  • Sữa mẹ có thể giữ trong tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày trong túi tiệt trùng.
  • Bạn không nên cất sữa trên cánh cửa tủ lạnh mà nên để sữa vào sâu trong tủ.
  • Sữa mẹ có thể được 3 tháng trong ngăn đông của tủ lạnh.
  • Nếu được cất trong tủ đông chuyên dụng, sữa mẹ có thể giữ được 6 tháng.
  • Sữa mẹ và các loại sữa công thức khác hay sữa bò hoàn toàn khác nhau. Sữa mẹ lỏng hơn và trông nhạt hơn các loại sữa khác. Trước khi cho trẻ bú, bạn cần lắc đều bình sữa để hòa tan lớn váng ở phía trên.
  • Hâm nóng sữa mẹ như cách bạn hâm sữa công thức. Hãy tránh việc hâm sữa bằng lò vi sóng, mà thay vào đó, đặt bình sữa của con vào một chậu nước nóng và kiểm tra độ nóng trước khi cho trẻ bú.
  • Bạn có thể trộn chung sữa mẹ và sữa công thức với nhau. Tuy nhiên, vì sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng hơn, hãy cho trẻ bú sữa mẹ trước. Nếu trẻ vẫn đói, lúc này hãy cho con bú sữa công thức.

Dấu hiệu của chứng viêm vú

  • Vú bị sưng, nổi đỏ và rát
  • Bị sốt và gặp các triệu chứng như đau nhức các khớp, nhiệt độ cao, mệt mỏi
  • Ngực bị căng, cảm thấy đau và xuất hiện những vết rạn đỏ

Nếu bạn thấy những dấu hiệu viêm vú này, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Thông thường bạn sẽ nhận được thuốc kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lây lan.

Nếu bạn mắc bệnh này thì không nên cho trẻ bú mẹ nhé. Trong trường hợp ngực căng sữa, hãy chắt bớt để giúp cho quá trình hồi phục nhanh chóng hơn.